Để trở thành cha mẹ tỉnh thức, ta cần nhận biết sự vô minh, vốn được ta kế thừa từ các thế hệ trước, ảnh hưởng tiêu cực đến con ra sao. Ví dụ:
Chính ta dạy con tham lam khi ta cho con kim cương thay vì trao cho con cây gậy và những viên đá.
Chính ta dạy con sợ phiêu lưu mạo hiểm khi ta thưởng cho con mỗi khi con đạt thành tích và mắng mỏ khi con thất bại.
Chính ta dạy con nói dối khi ta tức giận vì con nói thật.
Chính ta dạy con ích kỷ và bạo lực với người khác khi ta xem nhẹ cảm xúc của con và từ chối con vô điều kiện.
Chính ta dạy con đánh mất động lực và nhiệt tâm khi ta tạo áp lực để con phải xuất sắc và làm gì đó “nên cơm nên cháo”.
Chính ta dạy con không tôn trọng ta khi ta hối thúc con trở thành một người mà ta mong muốn chứ không phải người mà con muốn trở thành.
Chính ta dạy con trở thành kẻ hay bắt nạt khi ta áp chế tinh thần và không cho con được thể hiện quan điểm cá nhân.
Chính ta dạy con bối rối và bị chế ngự khi ta trao cho con mọi thứ bên ngoài nhưng không cho con công cụ để suy ngẫm nội tâm.
Chính ta dạy con lơ đễnh và xao nhãng khi ta khiến con lạnh bận rộn với quá nhiều hoạt động mà không có không gian để tĩnh lặng.
Chính ta dạy con sống thiên về vẻ bề ngoài khi ta dành quá nhiều thời gian và năng lượng vào diện mạo bên ngoài.
Chính ta dạy con không tôn trọng ta khi ta không ngăn chặn con trong lần đầu tiên con có thái độ bất kính và những lần sau đó.
Chính ta dạy con ngang bướng vì ta không biết cách đề ra quy tắc và nói là làm.
Chính ta dạy con hổ thẹn vì ta đổ lỗi cho tinh thần của con và liên tục phán xét con.
Chính ta dạy con lo lắng vì ta phủ nhận sự tán dương đối với hiện tại và chỉ hướng đến ngày mai.
Chính ta dạy con không được yêu mến bản thân vì ta liên tục phân loại cảm xúc của con thành cảm xúc được và không được ta chấp nhận.
Chính ta dạy con không được tin tưởng thế giới vì ta phản bội con mỗi khi ta không nhìn thấy bản chất của con.
Chính ta dạy con yêu thương hoặc không yêu thương bởi mức độ ta yêu thương hoặc không yêu thương bản thân.
Tất cả chúng ta đều cảm thấy sự thôi thúc phải hành động một cách quen thuộc, dễ đoán. Thật sự không dễ dàng gì để ta từ bỏ thói quen này… mặc dù ta cần phải làm vậy để nuôi dạy con hiệu quả.
…Sự vô minh của bạn không phải là yếu tố mà con phải thừa kế, bạn có nghĩa vụ khai phá sự vô thức đó. Nuôi dạy con tỉnh thức nghĩa là bạn ngày càng có ý thức về động lực và sự phổ biến của sự vô thức đó trong các tình huống thường nhật.
Nếu được nuôi dưỡng bởi cha mẹ tỉnh thức, trẻ sẽ biết sống hài hòa với bản thân và kết nối với niềm vui trong lòng, khám phá ra sự giàu có của vũ trụ và biết cách thích nghi với dòng chảy liên tục đó. Coi cuộc sống là một người bạn đồng hành, trẻ sẽ tiếp ứng với cuộc sống bằng sự hiếu kỳ, niềm phấn khích và sự tôn trọng. Biết cách chung sống hòa bình với nội tâm và hiểu rõ niềm vui cố hữu của bản thân, sau này trẻ biết dạy các thế hệ tương lai sống vui vẻ với cuộc đời.
Trích từ sách “Làm cha mẹ tỉnh thức” của TS. Shefali Tsabary